Viêm da tiết bã nhờn là một căn bệnh mãi tính không rõ căn nguyên. Bệnh viêm da tiết bã nhờn thường xuất hiện ở các vùng da như mặt, đầu, ngực, lưng,… khiến cho những người gặp phải rất khó chịu. Cùng tìm hiểu các loại thuốc chữa viêm da tiết bã nhờn qua bài viết sau đây.
Nguyên nhân viêm da tiết bã nhờn
– Bệnh viêm da tiết bã nhờn là một dạng viêm da mạn tính không rõ căn nguyên. Bệnh hay ở các vùng da có nhiều tuyến bã hoạt động mạnh là mặt, đầu, ngực, lưng và các nếp gấp lớn. Ở trên đầu bong vảy nhiều mà ta gọi là gầu da đầu.
– Khi bị viêm da tiết bã nhờn ở mặt thường có các thương tổn hai má hình cánh bướm, kẽ mũi, rìa trán, giữa hai lông mày, da màu đỏ, có vảy da. Những người bị bệnh này thường hay có cơ địa tiết bã nhờn. Viêm da tiết bã nhờn là bệnh xảy ra từ từ, chúng không diễn biến đột ngột.
Thông thường người bệnh không bị ngứa, nhưng cũng có một số người bị ngứa ngáy, khó chịu mức độ nhẹ hoặc vừa. Khi nóng, thì sẽ ra mồ hôi ngứa có thể tăng lên. Trong những trường hợp nặng, thì vảy da có thể xuất hiện ở sau tai, trong ống tai, sống mũi, cung lông mày, quanh mũi, ngực hoặc vai.
Các loại thuốc chữa viêm da tiết bã nhờn
Đến nay thì vẫn chưa có loại thuốc nào có thể điều trị viêm da tiết bã nhờn đặc hiệu mà chỉ có những thuốc có thể kiểm soát các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh. Đối với căn bệnh viêm da tiết bã nhờn trên đầu sử dụng các loại dầu gội chống nấm như zinc pyrithione, selenium sulfide, ketoconazol shampoo 2% gội 2-3 lần/tuần, có thể dùng duy trì lâu dài.
Trường hợp nặng, thì có thể sử dụng loại dung dịch lotion hoặc gel corticoid nhẹ trong 1-2 tuần. Việc điều trị thường phải kéo dài nhiều tuần, nếu sau khi ngừng sử dụng mà bệnh tái phát thì việc điều trị có thể lặp lại từ đầu. Tổn thương do viêm da tiết bã nhờn ở trên mặt thì sử dụng loại thuốc bôi corticoid dạng kem hay lotion bôi trong 1-2 tuần. Các thuốc corticoid dạng bôi được sử dụng nhiều và sẽ có hiệu quả trong điều trị.
Chú ý khi sử dụng các sản phẩm chứa corticoid cho tổn thương ở da mặt hoặc cho trẻ em, thì nên ưu tiên sử dụng những loại có tác dụng nhẹ như hydrocortison, dexamethason. Những loại corticoid có tác dụng mạnh thì chỉ nên sử dụng trong một thời gian ngắn và tại những vùng da dày sừng, không được dùng ở mặt và những vùng da mỏng.
Cần phải đề phòng những tác dụng phụ của corticoid bôi tại chỗ thường gặp nhất là rạn da, nổi trứng cá, giãn mạch, teo da… Với trường hợp bệnh nặng, không đáp ứng với các điều trị tại chỗ có thể sử dụng một đợt corticoid đường uống ngắn ngày tuy nhiên cần phải đề phòng bệnh thường tái phát mạnh hơn sau khi ngưng thuốc.
Không nên tự ý sử dụng thuốc mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ da liễu.